Tin Hoạt động >> Chính trị

Tọa đàm "Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: Cơ hội, thách thức và yêu cầu"

21/06/2021 04:58:52 Xem cỡ chữ Google
Ngày 18/6 tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã tổ chức Tọa đàm "Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: Cơ hội, thách thức và yêu cầu". Sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 44 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.

Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội, bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: TV)

Dự tọa đàm có: Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị; ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân; các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức; đại diện lãnh đạo, cán bộ các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị…

Tọa đàm “Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: cơ hội, thách thức và yêu cầu” được tổ chức với mục đích: xác định vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới; tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư (khóa XI) và rút ra bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết của công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới, đồng thời đưa ra khuyến nghị tới Ban Bí thư ban hành chỉ đạo mới về công tác đối ngoại nhân dân thay thế Chỉ thị 04-CT/TW.

Phát biểu khai mạc, Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân cho biết thực hiện công văn số 297-CV/BĐNTW ngày 18/3/2021 của Ban Đối ngoại Trung ương về việc xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức tổng kết Chỉ thị 04-CT/TW nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, những bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện Chỉ thị; dự báo tình hình; xác định mục tiêu của công tác đối ngoại nhân dân và đề xuất, kiến nghị định hướng nhiệm vụ và biện pháp tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.

 

Trước đó, ngày 17/6, Liên hiệp Hữu nghị cũng đã tổ chức Tọa đàm “Phong trào nhân dân thế giới và khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế mới”, tập trung đánh giá 03 mảng nội dung chính: (i) những nhân tố tác động đến phong trào nhân dân thế giới và khu vực trong những năm qua, (ii) những trào lưu trong thời gian qua, (iii) dự báo xu thế phát triển của phong trào nhân dân thế giới trong thời gian  tới.

 

Nêu quan điểm về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.” Như vậy, với yêu cầu đó, đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, với tư cách là 1 trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, có nhiệm vụ hết sức to lớn, đó là đi đầu đóng góp vào các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của đất nước.

 

Hầu hết các ý kiến của các đại biểu tham dự toạ đàm đều nhất trí phải tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các trụ cột đối ngoại hiện nay. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, mỗi trụ cột và binh chủng đối ngoại trong thời gian tới sẽ phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII bằng các chiến lược, chính sách và các biện pháp cụ thể như đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy, trong đó việc tăng độ tin cậy để củng cố đoàn kết và hữu nghị với các nước láng giềng liền kề, vành đai an ninh trực tiếp của Việt Nam, có tầm quan trọng sống còn.

Cùng với đó, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, cũng như tham gia tại các diễn đàn đa phương nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức hữu nghị ở địa phương biên giới trong việc tăng cường hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước bạn, góp phần duy trì, củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Phát biểu kết luận toạ đàm, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga bày tỏ vui mừng khi buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, phong phú và thu nhận được nhiều ý kiến tâm huyết.

Các đại biểu đã phân tích sâu sắc bối cảnh tình hình, thuận lợi và khó khăn cho công tác ĐNND trong bối cảnh mới; chia sẻ kinh nghiệm phong phú trong công tác ĐNND của các tổ chức, địa phương; đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao công tác ĐNND trong tình hình mới và đưa ra nhiều kiến nghị có cơ sở.

Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng những chia sẻ, kiến nghị của các đại biểu sẽ là những đóng góp bổ ích giúp Liên hiệp Hữu nghị hoạch định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

Theo VUFO

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h